Huyện Mê Linh

TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc khi bơi ở bể bơi, ao, hồ

11:34 - 01/06/2022

Nước ở các ao, hồ có nguy cơ tiềm ẩn nhiều khí độc tự nhiên hơn ở bể bơi, vì thế khi bơi ở những khu vực này phải hết sức cân nhắc, cảnh giác để tránh tình trạng ngộ độc khí, dẫn đến đuối nước, nguy hiểm đến tính mạng

Chia sẻ về tình trạng đuối nước thương tâm tại huyện Thường Tín khiến 5 người thiệt mạng vừa qua, bác sĩ Lương Quốc Chính - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những vụ đuối nước đều có những nguyên nhân khác nhau. Ở khu vực ao nuôi, hồ nước, giếng nước thường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khí độc, có thể là một trong những lý do dẫn đến việc ngạt khí, đuối nước. Những chất khí độc này bao gồm: amoniac (ammonia) do cá bài tiết ở trong nước và một phần do thực vật và thực phẩm dư thừa sản sinh ra. Một phần amoniac này kết hợp với vi khuẩn để tạo thành nitrit (nitrite) và sau đó là nitrat (nitrate) mà chúng có vai trò như phân bón cho thực vật. Các vi khuẩn kỵ khí cũng sản xuất ra các chất khí độc. Loại vi khuẩn này xuất hiện từ sự tích tụ hữu cơ ở đáy ao. Ngoài ra, các loại hóa chất, phân bón hoặc chất diệt cỏ du nhập vào ao cũng có thể gây nguy hại tới môi trường trong ao.

Để phát hiện những khu vực ao, hồ có khả năng có khí độc, bác sĩ cho biết, người dân cần chú ý một số biểu hiện dễ nhìn thấy như: Ao bẩn, có mùi hôi, nhiều tảo, hoặc có vùng nước nhìn bề ngoài có vẻ sạch nhưng nếu thấy cá hay ngoi lên mặt nước để đớp cũng là một biểu hiện nước thiếu oxy.

Thực tế, theo phản ánh của một số người dân tại khu vực hồ Đình về hiện tượng một số nhóm trẻ em khi chơi trong khu vực sân đình, sau đó nhảy xuống tắm hồ. Đây là khu vực UBND thị trấn đã cắm biển cấm bơi, lội trong hồ.

Hiện nay, đang trong thời điểm mưa nhiều, lượng nước trong hồ khá nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước, UBND thị trấn đề nghị: Mọi người dân không bơi lội trong khu vực Hồ đình.

- Các gia đình quản lý và nhắc nhở con em mình khi vui chơi tại khu vực Hồ Đình, không nghịch, bơi lội trong khu vực Hồ Đình. Nhất là trong dịp hè sắp tới.

- Nghiêm cấm mọi hành vi vứt rác, xả rác xuống hồ gây ô nhiễm mặt nước, cảnh quan khu vực Hồ Đình. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của thị trấn.

Sau đây,  là một số biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em:

Biện pháp phòng tránh:

- Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối … trong khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.

- Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi.

- Đối với trẻ nhỏ luôn cần sự chăm sóc và giám sát chặt chẽ của người lớn, làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình.

- Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý con trong tầm mắt. Một số trẻ ở nông thôn, miền núi thường trốn cha mẹ đi chơi, tắm sông, tắm suối dẫn đến bị đuối nước do không biết bơi hoặc bơi đến chỗ nước quá sâu bị nước cuốn đi.

- Do đó ngoài việc thường giám sát con cái, cha mẹ cần dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn.

- Ngoài ra trong nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước.

Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ

Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:

- Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ nên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… lém xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.

- Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

(Nguồn Báo HNM)