Nghĩa cử cao đẹp
Căn nhà nhỏ của gia đình ông bà Thu - Hà nằm trên con đường quốc lộ 23B, từ ngày con gái Ngô Thị Lan Trang mất trở nên vắng lặng. Đến thăm gia đình vào buổi trưa mưa xuân lành lạnh, thắp nén nhang thơm cho hai em Trang và Trường, nhìn lên bức hình hai em còn rất trẻ, tôi không khỏi xúc động nghẹn ngào. Em Nguyễn Văn Trường là con trai duy nhất của gia đình vừa mất trước Tết Nguyên đán Quý Mão khi mới mười tám tuổi do mắc căn bệnh tim quái ác. Nỗi đau mất mát chưa nguôi thì vào ngày 09/02/2023 vừa qua, người con gái lớn của ông bà là Ngô Thị Lan Trang 29 tuổi, lại bị tai nạn giao thông dẫn đến chết não. Khi biết không thể níu kéo sự sống cho người con gái, vượt qua nỗi đau mất mát đến tột cùng ông bà đã quyết định hiến tặng lại trái tim, một quả thận và hai giác mạc của con gái sau khi chết não để "hồi sinh" những cuộc đời mới.
Từ việc hiến tặng của gia đình ông bà Thu - Hà, ngày 15/02/2023 lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép tim - thận cho một bệnh nhân 37 tuổi, ở Gia Lai, bị mắc bệnh tim nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải thường xuyên điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Sau ghép, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, ăn uống, đi lại và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ, đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Một cuộc sống mới lại bắt đầu. Bệnh nhân sẽ được xuất viện trở về, đoàn tụ với gia đình mang theo trái tim của con gái ông bà. Từ nghĩa cử cao đẹp quý giá đó, nhiều cuộc sống đã được hồi sinh...
Biến đau thương thành tình yêu, hi vọng, sự sống cho người khác
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hà nghẹn ngào kể: "Con gái trên đường đi làm về bị tai nạn, khi chuyển con đến bệnh viện hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ xem phim chụp của con và cho biết cháu đã bị chết não rồi". Tôi đã khóc và nói với các bác sĩ: "Mong các bác sĩ cứu con gái em, con trai em bị bệnh tim cháu đã chờ ghép bốn năm nhưng không có nguồn tạng hiến phù hợp vừa mới mất, bây giờ con gái bị tai nạn, mong các bác hết sức cứu cháu, còn một chút mong manh cũng cứu lấy cháu, cháu còn trẻ, con cháu còn bé, bác sĩ giúp cho cháu sống để cháu về nuôi con". Bác sĩ nghe nói vậy, cũng khuyên gia đình nên hiến tạng của con".
Trước lời khuyên của các bác sĩ, ông bà cũng đấu tranh tư tưởng và suy nghĩ rất nhiều. Mong muốn của ông bà lúc này là cứu con gái, mong có một phép màu đến với con. Trước đây, khi con trai còn, gia đình ông bà thuộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần một số tiền rất lớn để ghép tim và phổi cho con.Gia đình cũng đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đoàn thể, cá nhân mong con có được nguồn tạng hiến phù hợp để kéo dài sự sống. Song cũng có một số người không hiểu và cảm thông cho rằng ông bà đã lợi dụng con để xin tiền ủng hộ. Việc lo lắng chạy chữa bệnh tật cho con trai lại thêm điều ra tiếng vào làm cho ông bà rất khổ tâm..
Sau hơn 4 năm chờ đợi trong mòn mỏi mà không có nguồn tạng hiến phù hợp con trai ông bà đã mất trước Tết Quý Mão vì viêm phổi. Đau thương nối tiếp đau thương khi chưa đầy 2 tháng sau con gái bị tai nạn giao thông và chết não. Đứng trước quyết định có hiến hay là không hiến tạng của con đã làm cho ông bà cũng suy nghĩ rất nhiều, vì ở làng quê còn nhiêu định kiến, rào cản.
Song ông Thu cũng động viên: "Mình không phải nghĩ gì cả, cứ làm theo tâm của mình, mình hiến để làm phúc cứu người. Vì con trai và gia đình mình cũng bao nhiêu năm chờ đợi trong mòn mỏi, con mình, không chờ đợi được và giờ con trai mình đã mất rồi. Không may con gái nhà mình giờ không được làm người thì mình cũng hiến để cứu người khác. Mình cũng hiểu được hoàn cảnh người ta chờ đợi như thế nào. Gia đình người ta cũng chờ đợi như mình đã bao nhiêu năm... Dù sau này con mất rồi nhưng các bộ phận của con vẫn còn ở trên đời cũng là niềm an ủi".
Nghe ông Thu nói, bà Hà cũng biết vậy, nhưng trong thẳm sâu tấm lòng người mẹ vẫn hi vọng cứu được con, mong con khỏe lại để về nuôi con, vì con của T còn quá bé. Khi biết không thể níu kéo sự sống cho con gái, ông bà đã gạt nước mắt, vượt qua định kiến quyết định hiến tạng của con để cứu giúp những cuộc đời khác. Ông bà thầm nhủ "Bố mẹ biết con là một cô gái có trái tim nhân hậu, giàu lòng thương người! Ngày xưa, hồi đi học con cũng hay hiến máu cứu người. Con là một đứa ngoan, hiền tốt bụng, rất thương em và gia đình. Có lần con còn nói giá mà chị cho em được quả tim để em khoẻ mạnh thì tốt biết mấy!" Ông Thu nghẹn ngào chia sẻ những lời tâm sự với con trước lúc chia xa.
Tấm lòng của ông bà không chỉ có vậy, sau khi hiến xong, lúc nào trong tâm can ông bà cũng chỉ mong ca mổ được thành công. Được mấy ngày thấy bệnh viện đưa tin là ca mổ thành công, bệnh nhân đã tỉnh lại, phục hồi tốt. Lúc bấy giờ ông bà mừng lắm, rơi nước mắt. Bà lên thắp hương, nói với con rằng: "Con mất đi nhưng trái tim con vẫn còn đập con đã cứu được người rồi!". Tôi nghe kể lại mà tưởng như cả ba trái tim nhân hậu ấy đang hòa cùng nhịp đập trong hành trình thấm đẫm yêu thương.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong chia sẻ: "Gia đình ông bà Thu Hà luôn chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có lối sống giản dị, gần gũi với mọi người. Đây là một gia đình nông dân chất phác với việc làm đầy nhân ái, có nghĩa cử cao đẹp là hiến mô tạng con gái để cứu sống người khác. Nghĩa cử cao đẹp này cần được biểu dương và lan toả trong cộng đồng"
Bà Vũ Thị Hoàng Hợp, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tiền Phong cho biết: "Gia đình ông Ngô Văn Thu có một hoàn cảnh đặc biệt, hai người con đã mất. Ông bà đã quyết định hiến mô tạng con gái đã chết não, làm phúc để cứu người. Hành động cao cả này cần được biểu dương ghi nhận"
Hiện nay, trên đất nước ta có hàng vạn bệnh nhân trong danh sách chờ được cấy ghép mô, tạng để tiếp thêm sự sống. Đối với họ, sự sống hay cái chết phụ thuộc vào lòng nhân ái của những người hiến. Việc mọi người đăng kí hiến mô, tạng là rất ít ỏi. Yếu tố văn hoá tâm linh với tư duy cùng những phong tục, tập quán còn lạc hậu, là những rào cản lớn không dễ vượt qua.
Với trái tim đầy tình yêu thương, bằng tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của gia đình ông Ngô Văn Thu, bà Nguyễn Thị Hà là vô cùng cảm động. Ông bà đã vượt qua những rào cản, định kiến để biến đau thương của mình thành tình yêu, hi vọng mang lại sự sống cho người khác. Đây là một tấm gương điển hình mang tính nhân văn sâu sắc. Một cuộc đời khép lại nhưng lại mở ra ánh sáng tươi đẹp cho nhiều cuộc đời khác. Những tấm lòng thương người như thế đã góp phần mang lại niềm tin yêu trong cuộc sống, lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp, với phẩm chất con người Việt Nam giàu lòng yêu thương nhân ái; xã hội trân trọng, biết ơn những việc làm bình dị mà cao cả.