Mê Linh: Tháo gỡ vướng mắc, tạo đồng thuận nhờ đối thoại

21/08/2022 | 12:48

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể xã hội và Nhân dân là hoạt động được huyện Mê Linh tổ chức thường xuyên. Thông qua đối thoại, những bức xúc, vướng mắc của Nhân dân được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Tạo đồng thuận nhờ đối thoại

Khu đất đấu giá X1 thuộc tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông gồm 33 lô, có tổng diện tích lên đến 3.412,7m2 được đưa ra đấu giá thành công hồi cuối tháng 7/2022, với số tiền thu ngân sách đạt gần 226 tỷ đồng, chênh gần 100 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trong đó, lô có giá trúng cao nhất 93 triệu đồng/m3.

Mê Linh: Tháo gỡ vướng mắc, tạo đồng thuận nhờ đối thoại - Ảnh 1.

Thông qua đối thoại, khu đất đấu giá X1, Tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông đã được các hộ dân đồng thuận bàn giao mặt bằng đúng tiến độ

Tuy nhiên, có được sự đồng thuận của người dân trong việc bàn giao mặt bằng để các cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục đưa khu đất này ra đấu giá, không phải dễ dàng. Ba trong số các hộ dân ở đây lúc đầu nhất quyết không đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho nhà nước, với lý do, những diện tích đất ruộng trước đó đã bàn giao cho các dự án công nghiệp, đô thị khác đã nhiều năm nay vẫn chưa được nhận đất dịch vụ. Thậm chí, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã tính cả đến phương án cưỡng chế thu hồi đất để đảm bảo tiến độ dự án, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị chung của cả huyện.

Điều đáng mừng là, sau cuộc đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông với các hộ dân, những khúc mắc của các hộ đã được lãnh đạo địa phương trả lời cặn kẽ, thấu tình, đạt lý. Do vậy, tất cả các hộ đều hiểu và đồng thuận bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, mà không phải cưỡng chế.

Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy thị trấn Chi Đông cho biết: Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể xã hội và Nhân dân là việc làm được thị trấn tổ chức thường xuyên. Thông qua đối thoại giúp lãnh đạo thị trấn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu ý kiến đề xuất, kiến nghị của Nhân dân, những vấn đề thuộc thẩm quyền sẽ được Đảng ủy, UBND thị trấn giải đáp ngay tại buổi đối thoại, những vấn đề không thuộc thẩm quyền hoặc cần kiểm tra, làm rõ, lãnh đạo thị trấn cam kết trả lời sớm để người dân được biết. Đây cũng là dịp để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, từ đó tạo sự đồng thuận trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương vững mạnh.

Không riêng tại thị trấn Chi Đông, từ năm 2017 đến nay, công tác đối thoại được huyện Mê Linh duy trì nền nếp ở cả cấp huyện và cấp xã. Tại các buổi đối thoại, người dân đã phản ánh từ những việc lớn các dự án đô thị chậm triển khai gây lãng phí nguồn lực từ đất, công tác giải phóng mặt xây dựng các tuyến đường, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đến những việc nhỏ như vệ sinh ngõ xóm, thu gom rác thải...

Theo Ban Dân vận Huyện ủy Mê Linh: Thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; Huyện ủy Mê Linh đã ban hành các văn bản, chỉ đạo duy trì, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy chế tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, đã góp phần nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Đồng thời, giúp giải quyết nhiều vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để phát sinh "điểm nóng". Nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đã được thực hiện hiệu quả thông qua đối thoại.

Ngay tại cuộc đối thoại, các đồng chí lãnh đạo huyện, xã đã yêu cầu các đơn vị liên quan trả lời cụ thể, ấn định thời gian giải quyết dứt điểm, được Nhân dân đánh giá cao. Sau các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đều ban hành thông báo kết luận lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết theo thẩm quyền đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý.

Các nội dung kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương, đều đã được tiếp thu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề người dân bức xúc, nhưng sau khi được trả lời một cách "thấu lý đạt tình" đã "hạ nhiệt" rất nhanh. Tỷ lệ ý kiến được trả lời, giải quyết thông qua tiếp xúc, đối thoại đạt trên 90%.

Lời hứa của người đứng đầu huyện qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại đã tạo áp lực để các cơ quan chức năng phải tập trung, đeo bám giải quyết hơn với đáp án cụ thể. Điều này không chỉ giúp cho từng kiến nghị của người dân được giải quyết tốt, còn giúp cho nhiệm vụ chung "trôi" nhanh hơn, đạt hiệu quả hơn.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn huyện đã tổ chức 97  hội nghị đối thoại, tiếp xúc định kỳ và hàng trăm cuộc đối thoại đột xuất giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện, xã với các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân; với 13.258 lượt đại biểu tham dự, tiếp nhận 1.089 ý kiến. Qua đối thoại, tiếp xúc, đã có 1.012 ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội nghị và ý kiến bằng văn bản được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định; 30 lượt ý kiến vượt thẩm quyền đã hướng dẫn người dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Cách làm hay, sáng tạo trong đối thoại

Việc tổ chức đối thoại ở huyện Mê Linh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Sử dụng phiếu xin ý kiến rộng rãi đến các đại biểu đại diện Nhân dân trước khi tiếp xúc, đối thoại; mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia đối thoại; lãnh đạo huyện về tận xã; lãnh đạo xã về tận thôn để thực hiện đối thoại…

Trong năm 2022, thực hiện Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức nghiêm túc việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Đến nay, một số địa phương như: Đại Thịnh, Tiền Phong, Tiến Thắng, Chi Đông,… đã tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Các địa phương khác tiếp tục tổ chức đối thoại, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2022.

Đối với cấp huyện, ngay từ đầu năm 2022, Huyện ủy Mê Linh đã ban hành Kế hoạch tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân, với nội dung, hình thức, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm và chương trình đối thoại rõ ràng, cụ thể. Theo đó, nội dung đối thoại năm nay thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với chủ đề "Phát triển các mô hình nông nghiệp chất lượng cao"; sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8/2022. Hiện nay, Ban Dân vận Huyện ủy chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để chuẩn bị nội dung đối thoại.

Bên cạnh đó, đối với những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các đồng chí lãnh đạo huyện dành thời gian để đối thoại với người dân, qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận. Đơn cử, để chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai tuyến Đường Vành đai 4 đi qua địa bàn huyện; những ngày này, trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn cùng lãnh đạo một số phòng, ban, ngành chức năng của huyện đã về tận thôn, xã để đối thoại với người dân của các địa phương có dự án Đường Vành đai 4 đi qua. Thông qua các buổi đối thoại, không chỉ giúp tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, huyện và từng địa phương; mà còn lắng nghe, giải đáp và giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị chính đáng của người dân. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận của cả hệ thống chính trị để sớm bàn giao mặt bằng, triển khai dự án Đường Vành đai 4 đảm bảo đúng tiến độ.

Mê Linh: Tháo gỡ vướng mắc, tạo đồng thuận nhờ đối thoại - Ảnh 2.

Đ/c Hoàng Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đối thoại với người dân thôn Tân Châu, xã Chu Phan về việc triển khai dự án Đường Vành đai 4

Bên cạnh đó, trước thềm năm học mới 2022- 2023, UBND huyện, trực tiếp là đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì đối thoại, tiếp xúc với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện. Thành phần được mở rộng không chỉ lãnh đạo, chuyên viên của phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mà còn được mở rộng đến Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn của tất cả các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trong toàn huyện. Những khó khăn, vướng mắc của ngành GD&ĐT đã được các đồng chí lãnh đạo huyện lắng nghe, chỉ đạo giải quyết; qua đó, giúp ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Ngoài ra, những sáng kiến, sáng tạo, đổi mới trong quản lý và dạy học cũng được các nhà trường chia sẻ tại cuộc đối thoại, tạo kênh thông tin hữu hiệu giúp lãnh đạo UBND huyện và những người đứng đầu ngành Giáo dục nâng cao hơn công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, với quyết tâm hàng đầu là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo đồng chí Lê Sỹ Cường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy: Trong nhiều cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân thì việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là cách làm dân chủ, mang lại hiệu quả. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đối thoại từ việc chọn đúng và trúng vấn đề người dân quan tâm đến việc mở rộng quy mô, đối tượng tham gia…

 Đồng thời, tập hợp những kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; thực hiện giám sát việc thực hiện các kết luận sau hội nghị, giải quyết kịp thời những nội dung góp ý, phản ánh, kiến nghị để tạo đồng thuận từ cơ sở.

Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò, sự chủ động, tích cực của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đối thoại; đổi mới, đa dạng các hình thức tổ chức trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và cầu thị để hoạt động đối thoại ngày càng hiệu quả, thiết thực./.

 

Tuyền Nguyễn

Top